Trượt ván, ban đầu được gọi bằng cái tên "Lướt sóng lề đường" nổi lên từ những năm 1950 khi những người lướt sóng tại California tìm ra cách chơi trò lướt sóng nhưng ở trên lề đường bằng cách sử dụng tấm gỗ nhỏ cùng 4 bánh xe trượt patin, họ có thể tạo ra những đường rẽ êm ái trên vỉa hè. Một thời điểm mang tính cách mạng đối với môn trượt ván xảy ra vào năm 1978, khi Alan Gelfand phát minh ra một thủ thuật nhảy cùng chiếc ván được gọi là "Ollie" ra đời, trò chơi này trở nên phổ biến tại Mỹ. Cơn sóng mang tên trượt ván trở nên phố biến tại các thành phố Los Angeles, San Fransisco, Vancouver, Barcelona,... Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, gắn liền với thời kỳ nổi loạn của thanh thiếu niên Mỹ cùng sự phát triển của punk rock, các skaters dần chuyển mình khi tìm kiếm các địa hình mới để thỏa mãn đam mê của mình. Họ chơi các bãi đất trống, trong công viên, đến đường phố, các thành và bậc cầu thang. Điều này dẫn đến các hệ lụy nhiều nơi công cộng đặt biển cấm trượt ván do vô tình gây nguy hiểm đến người khác, hay việc skaters thường xuyên gặp rắc rối với cảnh sát và các định kiến cho rằng trượt ván là môn thể thao dành cho tội phạm.
Không giống với bất kỳ bộ môn thể thao nào khác, trượt ván không bắt buộc bạn phải theo nguyên tắc nào, không có trọng tài hay bất kỳ điều gì ràng buộc bạn cả. Skaters có thể tự do trượt theo cách họ thích, thực hiện các trick họ muốn. Tâm lý suy nghĩ tự do, độc lập, không có quy tắc và sự sáng tạo là điều khiến trượt ván trở nên hấp dẫn. Với skaters, niềm vui là khi họ có thể trượt khắp mọi nẻo đường cùng bạn bè, cùng nhau đắm chìm trong sự hạnh phúc khi chinh phục được các tricks, và quan trọng nhất là chia sẻ niềm vui cùng những người anh em của mình. Đó là cuộc sống đường phố đúng nghĩa, mỗi skaters là mỗi bản sắc khác nhau, họ tự do, phóng khoáng, thoải mái, nổi loạn, phá cách, tràn đầy cảm hứng và không ngần thể hiện bản thân mình. Skaters cùng bộ môn trượt ván phản ánh hơi thở của đường phố, điều đó đã phần nào lan tỏa sự ảnh hưởng song song đến streetwear.
Trượt ván không phải là bộ môn thể thao đơn thuần, mà nó là môn thể thao nguy hiểm và việc xảy ra thương tích được xem là hiển nhiên. Việc luyện tập cách té ngã để giảm tối đa sát thương cũng quan trọng không kém việc luyện tập các tricks. Việc các skaters té ngã, tay chân, quần áo bám bụi đất, trầy xước, bầm dập hoặc chấn thương như cơm bữa là điều hết sức bình thường. Do tính chất của trò chơi, skaters cần mặc trang phục tạo cảm giác thoải mái nhất cho bản thân, nhưng không phải vì thế mà họ trông xuề xòa và không thể mặc đẹp được. Thời trang của skaters được gói gọn trong việc tạo được cảm giác thuận tiện nhất cho cử động cho họ, đồng thời, về mặt ứng dụng yêu cầu phải có độ bền cao.
Mỗi skaters là một các thể độc lập, cả trong phong cách ăn mặc, mỗi người một vẻ, cũng như phong thái khi trượt và thực hiện trick, không ai giống ai cả. Tuy nhiên, vẫn có những điểm tương đồng nhất định trong thời trang của skaters. - Áo thun là items không thể thiếu, bởi nó tạo nên cảm giác thoải mái nhất. Như đã nói ở trên, skateboarding phản ánh hơi thở của đường phố, nên những chiếc áo thun skaters mặc thường sẽ những chiếc áo mang tiếng nói đường phố mà người đó muốn thể hiện. Hẳn với các bạn trẻ yêu thích thời trang vài năm trở lại trước đã quen với việc có một thời kỳ nổi lên cơn sốt mặc "Thrasher Flame Logo" hay chính những chiếc box logo Supreme là những cái tên được lấy cảm hứng từ skateboarding.
- Phần dưới, quần, được ưa chuộng là những sản phẩm làm từ chất liệu như jean, corduroy,... với tính chất bền bỉ, thấm hút mồ hôi tốt. Form quần yêu cầu cần là work pants (quần ống suông) để có thể thoải mái tối đa trong việc hoạt động. Ngoài ra, điều này cũng dẫn đến việc các thương hiệu về workwear như Carhatt, Dickies,... được các skaters yêu thích - Phụ kiện: Những sản phẩm gắn liền với skaters là nón lưỡi trai, nón len, shoulder bag (túi đeo chéo),... đặc biệt là tất cổ cao vừa bảo vệ cổ chân khỏi va chạm, vừa tô nét cho trang phục, tôn lên tính cá nhân và sự cá tính của mình - Sneakers: Một trong những item quan trọng không thể thiếu, giày dành cho skaters yêu cầu phải có độ bền cao và bộ bám ván tốt. Do đó, các ông lớn trong ngành đều mở ra một nhánh riêng dành cho trượt ván: nhà Nike thì có Nike SB, adidas có adidas skateboarding, converse có converse cons... Và đặc biệt là Vans, nhãn hiệu gắn liền với sự ra đời và phát triển của trượt ván đường phố. Về tổng quan, chân dung các skaters sẽ có những điểm chung như trên. Nhưng, như đã nói, mỗi skaters là một sắc thái riêng biệt, mỗi người đều mang một màu sắc độc nhất, và điều quan trọng nhất, là khi trượt thủ có đủ kỹ năng cho mình, thì việc đóng khung mỗi người vào một hình thể chân dung trong thời trang là điều không cần thiết. Bởi vốn dĩ trượt ván là một sub-culture thuộc về văn hóa đường phố, và đường phố thì không có giới hạn nào của nó cả.
Skateboarding là nền Văn hóa du nhập, vậy về đến Việt Nam nó được biến đổi như thế nào? Skateboarding bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng từ năm 2000. Cũng tương tự như các thời điểm bắt đầu của trượt ván tại các quốc gia khác, môn thể thao này được đánh giá là bộ môn nguy hiểm. Vậy nên, không phải vị phụ huynh nào cũng sẵn lòng để con mình tham gia bộ môn mà hằng ngày phải làm quen với việc trầy tay chân hay chấn thương. Thời điểm đó, tại Việt Nam chưa có nhiều bãi tập hay sân chơi lớn, các bạn trẻ với đam mê trượt ván chủ yếu làm quen với bộ môn thông qua Internet. Việc thiếu sân chơi nên phải luyện tập ở những tụ điểm công cộng, việc bị cấm và phải trốn tránh bảo vệ cũng là khó khăn lớn. Thế nhưng, khi nhiều người yêu thích, tạo nên một nhóm có chung niềm đam mê, và từ một nhóm phát triển thành một cộng đồng. Qua nhiều năm phát triển, skateboarding đã dần trở thành một nền văn hóa đường phố tại Việt Nam. Skateboarding Việt Nam tiến dần hơn với Skateboarding thế giới khi cộng đồng ngày càng được mở rộng hơn. Đơn cử là trong năm 2019, Skateboarding Việt Nam đã ghi dấu trong việc bước ra Thế giới khi giải đấu Skateboard tại SEA GAME có sự góp mặt của 3 VĐV Tống Cẩm Vũ, Nguyễn Tiến Sơn, Trần Đình Anh. Trong đó, Cẩm Vũ là skater Việt Nam đầu tiên có mẫu deck dành riêng cho mình, trong trượt ván, việc có một signature model deck riêng là một niềm tự hào và đáng vinh dự. Điều này là hoàn toàn xứng đáng bởi cá nhân Cẩm Vũ đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng cộng đồng trượt ván tại Việt Nam. Khi cộng đồng lớn mạnh cũng là lúc nền văn hóa phát triển hơn, Skaterbording dần thu hút được nhiều người tham gia hơn, các sân trượt được xây dựng tốt hơn, các nhà tài trợ tổ chức các sự kiện dành cho trượt ván phát triển hơn. Tại Việt Nam, ngày hội Trượt ván vào 21 tháng 6 bắt đầu được tổ chức vào những năm gần đây đã củng cố thêm sức mạnh cho Văn hóa Skateboarding trong nước và là cơ hội để gắn kết các bạn trẻ với chung niềm đam mê trên khắp cả nước. Các skaters luôn sáng tạo để tìm cho mình một chất riêng, một điểm nhấn trong phong cách thời trang của họ. Đi liền với sự phát triển của các local brand streetwear, các bạn trẻ nỗ lực hơn trong việc phát triển những Thương hiệu Thời trang đại diện cho văn hóa trượt ván, tang thêm sự phong phú và đa dạng, nhằm mục đích kết nối và phát triển cộng đồng hơn. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như Leninn, Freaker, Viger,… Văn hóa Skateboarding không giới hạn một ai cả. Nó đã, đang và vẫn sẽ là nguồn cảm hứng về mọi mặt, ảnh hưởng đến thời trang, âm nhạc, điện ảnh,.. và tác động lên chúng ta trong cả phong cách, suy nghĩ, lối sống. Hãy cùng Dosiin Magazine theo dõi thêm các Kỳ sau để tìm hiểu thêm mối liên hệ giữa Skateboarding và Streetwear, cũng như việc Skateboarding tác động lên các nền văn hóa thế giới và địa phương như thế nào nhé.
|