Các sản phẩm organic, những ngành liên quan đến tái tạo, tái sinh, tái chế... là xu hướng được ưa chuộng của 2020.
Chia sẻ về việc hoạch định chiến lược cho năm 2020 tại sự kiện Vietnam Business Outlook 2020, ông Đỗ Hoà, CEO Công ty Tinh Hoa Quản Trị nhìn nhận, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay mới đây là biến động chính trị Hồng Kông có thể dẫn tới việc dịch chuyển hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đối tác và khách hàng sang các khu vực khác và rất có thể Việt Nam sẽ là một điểm đến.
Công nghệ điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo, internet vạn vật đang phát triển rất nhanh. Quá trình chuyển đổi số diễn ra bên ngoài rất nhanh, trong khi các doanh nghiệp vẫn còn ì ạch chuyển đổi số chưa thành công.
Bên cạnh đó, những vấn đề nóng trên biển Đông cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp cần phải tăng tốc nhiều hơn. Nếu hoạch định chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều kịch bản.
Theo ông Hòa, những ngành liên quan đến tái tạo, tái sinh, tái chế là xu hướng được ưa chuộng của 2020, đặc biệt ảnh hưởng về nông nghiệp. Sau một thời gian dài dùng hoá chất quá nhiều, đất đai bị trơ, phải có đầu tư lại cho đất để trở nên sạch hơn mới có thể trồng trọt được.
Ông Đỗ Hoà, CEO Công ty Tinh Hoa Quản Trị
Xu thế tẩy chay đồ nhựa sẽ tác động mạnh đến các nhà máy điện, nông nghiệp, ủng hộ trồng trọt tự nhiên, ảnh hưởng đến ngành dầu, hoá chất, năng lượng.
Ngành nhựa đơn hàng sẽ ít đi cả xuất khẩu và nội địa về bao nilong và chất liệu nhựa. Nhưng các ngành khác về bao bì giấy hoặc chất liệu thân thiện môi trường có thể tái sử dụng, sẽ được hưởng lợi. Doanh nghiệp sẽ phải nắm bắt cơ hội này để phát triển.
Xu hướng lối sống tự nhiên, sản phẩm organic ngày càng phát triển mạnh, đe doạ những doanh nghiệp kinh doanh không organic. Doanh nghiệp nên quan tâm chuyển sang organic từ từ, không chỉ nông sản mà cả đồ uống, đồ trang điểm, giữ gìn sắc đẹp… Bên cạnh đó còn có xu hướng sử dụng phương pháp trị liệu bệnh một cách tự nhiên mà không dùng thuốc.
Kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh, cái gì cũng chia sẻ được. Tập đoàn lớn khai thác nền tảng ứng dụng vào khai thác khách hàng sẽ phát triển không ngờ, nhưng một nhà hàng nhỏ cũng có thể bán hàng khắp thành phố nhờ kinh tế chia sẻ.
Logistics thay đổi rất lớn, vận tải bao bì lớn giảm đi, chia nhỏ ra, nhanh hơn, khôn ngoan hơn… nên quy trình, phương pháp quản trị của doanh nghiệp phải thay đổi theo. Điều này không có nghĩa là không có chiến lược, mà phải làm chiến lược nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp Việt cần phải hợp lực lại để chiến thắng ngay trên sân nhà
Nhận diện hành vi người tiêu dùng mới, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam cho biết, nhìn vào xu hướng tiêu dùng mới tại châu Á và Việt Nam, có thể thấy rõ nhất qua câu chuyện tăng trưởng GDP. Việt Nam tăng trưởng từ 6-7%, tỷ lệ rất cao so với các nước khu vực khoảng 3-4%. Việt Nam có 58% dân số dưới 35 tuổi, trong khi Singapore và Thái Lan dân số đã già hơn, điều này cực kỳ có ý nghĩa cho doanh nghiệp về xác định sản phẩm chủ lực.
Người tiêu dùng châu Á ngày càng được kết nối, Indonesia, Philippines tỷ lệ dù cao nhưng vẫn thấp hơn Việt Nam. Thu nhập người dân Việt Nam được cải thiện, khả năng chi tiêu cao hơn. Đặc biệt, người dân Việt Nam cực kỳ lạc quan, có tinh thần hướng đến tương lai, tự tin vào khả năng kiếm được tiền nhiều hơn.
Khách hàng không trung thành đã trở thành điều bình thường. Người tiêu dùng ưa thích những trải nghiệm mới, kể cả những người đã trung thành với thương hiệu cũ vẫn muốn trải nghiệm thương hiệu mới. Việt Nam là nước có tỷ lệ khách hàng muốn thử trải nghiệm mới cao nhất khu vực. Mức độ gắn bó với sản phẩm không cao, chỉ 7%; còn 26% người tiêu dùng là cố hữu, lười thay đổi.
Khách hàng cân nhắc rất nhiều về giá trị nhận được, không phải giá thấp mà là chất lượng. Kinh doanh minh bạch, giá trị cộng đồng, mức độ phổ biến và sự tin cậy mà các thương hiệu xây dựng có sức tác động lớn tới người tiêu dùng.
Tiêu dùng trên internet đang phát triển mạnh, 26% có xu hướng lựa chọn sản phẩm có sẵn trên online xuyên biên giới. Người tiêu dùng bị chi phối bởi truyền thông và mạng xã hội. Thế hệ Y rất chịu khó chia sẻ trên mạng xã hội, kênh Omnichanel.
Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam
Cũng theo bà Hà, thương hiệu cần kết nối với phụ nữ, người làm ra tiền và tiêu tiền. Phải nhìn nhận giá trị, sự đấu tranh của họ và những gì họ quan tâm. Các thương hiệu sẽ có được sự tin tưởng và ủng hộ của phụ nữ. Tài sản của phụ nữ chiếm tới 39,6 nghìn tỷ USD trong khối tài sản toàn cầu. Tới năm 2028 nữ giới sẽ kiểm soát 75% chi tiêu tự định toàn thế giới.
Có 3 yếu tố giúp đáp ứng nhu cầu phụ nữ theo bà Hà gồm: Nhu cầu tiện lợi, tốt cho sức khoẻ và sự giản đơn; Thấu hiểu vấn đề chất lượng sản phẩm, lợi ích xã hội và sự minh bạch; Kết nối để hỗ trợ thông qua công nghệ, tính xác thực và sự tin cậy cho sản phẩm và thương hiệu
Nhận định về viễn cảnh 2020, bà Hà cho biết, Việt Nam đang có quá nhiều cơ hội, viễn cảnh nền kinh tế đầy hứa hẹn đến 2022, tăng trưởng GDP sẽ khoảng hơn 6% hàng năm và trên 6,2 % tại các thành phố lớn. Thương mại hiện đại đang bùng nổ tại nhiều dạng cửa hàng. Thương mại truyền thống hiện chiếm 87%, thương mại hiện đại chiếm 13% nhưng đang tăng trưởng như các cửa hàng minimart, cửa hàng tiện lợi…
Khách hàng của doanh nghiệp có sự dịch chuyển lớn, nhóm từ 20-49 tuổi là thế hệ cực kỳ bí hiểm, quan tâm đến các vấn đề xã hội, tiêu dùng có ý thức, rất văn minh. Họ cần sự tiện lợi, sản phẩm cao cấp hơn, luôn tìm kiếm sản phẩm mới.
Lứa tuổi có đóng góp nhiều từ là 25-39, họ rất muốn thử cái mới, là thế hệ tiêu dùng kết nối nên được coi trọng hơn cả giới nhà giàu. Thế hệ từ 50-64 thì tập trung vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm chức năng, sản phẩm nâng cao tinh thần.
Sản phẩm cao cấp, chất lượng cao, thiên về tự nhiên được mua nhiều hơn. Một tỷ lệ nào đó chấp nhận hàng Việt Nam, các nhà sản xuất Việt Nam hiện cũng đã nghĩ tới chiến lược dài hạn để đáp ứng xu hướng khả quan này.
Phần lớn mua hàng nhập khẩu về chăm sóc cá nhân, bánh kẹo, sữa và các sản phẩm dành cho bé, sản phẩm có thành phần tự nhiên, ít đường. Sản phẩm mới đóng vai trò trọng yếu trong sự tăng trưởng của doanh nghiệp, đặc biệt là ngành chăm sóc nhà cửa, bánh kẹo và sữa, chế phẩm từ sữa…Nhưng phải có sự đầu tư đẩy kênh thì mới thành công được với sản phẩm mới.
Người tiêu dùng đang bị thu hút bởi thương mại điện tử và khuyến mãi, những ngành như du lịch, thời trang, công nghệ di động đang có nhiều cơ hội.
Bà Hà cho rằng, các doanh nghiệp cần sáng tạo, tiếp cận đa kênh và mang lại giá trị cho khách hàng. Ví dụ như Diana sensi cool fresh đã đáp ứng đúng nhu cầu các nước nhiệt đới ,thị phần sau 1 năm tăng 2,2%. Quy trình sáng tạo đổi mới, khám phá, tối ưu hoá nó là rất cần thiết. Chiến lược trực tuyến và ngoại tuyến, thương hiệu mạnh chỉ khi trải nghiệm khách hàng tốt, những điều đã hứa phải làm, luôn tìm cách thấu hiểu và đón đầu xu hướng của thị trường.
Khi công nghệ thay đổi mọi mặt cuộc sống, đó là cơ hội khi chúng ta không có điểm bán hàng vật lý, sẽ có bán hàng online, nếu không biết tận dụng, Malaysia, Thái Lan sẽ chiếm hết thị phần. Đây chính là lúc doanh nghiệp Việt cần phải hợp lực nhau lại để chiến thắng ngay trên sân nhà.
Muốn thế phải làm tốt và cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng. Văn hoá doanh nghiệp phải bắt đầu từ lãnh đạo, nhân viên hài lòng mới có thể làm cho khách hàng hài lòng. |