Thời kỳ lạm phát, thị trường liên tục biến động, các nhóm đầu cơ tranh thủ làm giá. Đủ các mặt hàng từ gạo, thịt, gia cầm, cho tới vàng, USD đều lần lượt bị lợi dụng làm giá, đẩy lên thành những cơn sốt. Nhưng dường như các cơ quan quản lý vẫn thụ động đối phó.
Thủ phạm "làm giá" vẫn trong bóng tối
Giữa lúc giá cả lương thực - thực phẩm đang có chiều hướng giảm, một tín hiệu đáng mừng sau một thời gian loạn tăng giá thì lại đến lượt giá gạo lên cao bất thường.
Thị trường vàng vẫn đang bất ổn dưới bàn tay đầu cơ
Từ đầu tháng, nhiều loại gạo tại TP HCM và Hà Nội tăng giá liên tục, có loại chỉ 3 ngày đã đắt thêm 1.000 -1.200 đồng/kg. Đây được coi là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, từ đầu tháng đến nay giá gạo tăng đột biến, giúp cho người nông dân được cải thiện đời sống nhưng gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo tăng do đầu cơ trong nước lớn. Thậm chí, Lãnh đạo Bộ Công thương còn cho biết, giá gạo cao chủ yếu do tin đồn nhảm. Hàng trăm tin nhắn Việt Nam ký kết hợp đồng xuất khẩu đã được gửi đến lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam khiến các đơn vị này đổ xô đi thu mua trong nước làm giá gạo tăng lên. Vì thế, Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm sáng tỏ ai là người tung tin đồn nhảm gây hoang mang dư luận.
Trước đây, chuyện thiếu gạo, tăng giá cũng đã từng diễn ra khiến gạo tăng mạnh trong mấy ngày khiến người dân rất lo sợ đổ xô đi mua gạo giá cao. Sau đó, Bộ Công thương vào cuộc cũng khẳng định đây chỉ là thông tin không chính xác của giới đầu cơ kiếm lời.
Mới đây, thịt lợn là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất lần gấp đôi trong hơn 1 năm qua. Bức xúc vì tình trạng này, Phó Chủ tịch Hà Nội đã phải than rằng "thịt lợn tăng cao hơn cả vàng".
Thịt lợn ban đầu tăng nhẹ nhưng do đi kèm với những thông tin khan hiếm nguồn cung do dịch bệnh, xuất khẩu ồ ạt sang Trung Quốc khiến đà tăng giá ngày càng khủng khiếp.
Thịt lợn tăng giá trong một thời gian dài, nhiều ý kiến cảnh báo và lo ngại đã được đưa ra nhưng cơ quan quản lý cả công thương và nông nghiệp cũng chỉ giải thích chung chung là tăng giá do vàng tăng, không có chuyện thiếu nguồn cung... và không có gì đáng ngại.
Thế nhưng, khi giá lên quá cao, dư luận bức xúc thì người ta mới cuống cuồng tổ chức liên tiếp các cuộc họp tìn cách đối phó. Thậm chí, quá sốt ruột trước trước những phản ứng của đơn vị chức năng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã yêu cầu các đơn vị quản lý tạm gác công việc hành chính, vào cuộc tìm nguyên nhân và giải pháp chống tăng giá ngay.
Sau rất nhiều cuộc họp, đoàn công tác thì câu giải thích cuối cùng là thịt không thiếu, tăng giá là do bị đầu cơ, bị tiểu thương làm giá. Tất nhiên, đi kèm là lời động viên, người tiêu dùng yên tâm, sẽ có giải pháp bình ổn, rồi giá sẽ giảm. Đến nay, thịt có giá 120.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng.
Trước thịt là giá đường. Đường trong nước tồn kho lớn, giá chỉ 17.000 đồng/kg. Thế nhưng, trên giá các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đường lên đến 28.000/kg. Khi nhà máy đường giảm giá để xả hàng, đường nhập khẩu giá rẻ về nhiều thì giá bán lẻ không hề giảm.
Trước tình trạng đó, một cuộc họp giữa các bên sản xuất, phân phối và quản lý được tổ chức. Tranh cãi nhiều, ai cũng có lý nên tất cả đi đến kết luân: đường tăng giá là do có yếu tố đầu cơ, làm giá; thị trường đường đang bị thao túng cần có biện pháp xử lý. Sau cuộc họp, đến nay giá bán của nhà máy đã tăng lên còn giá bán lẻ thì chưa hạ bao nhiêu.
Hiện tại, USD đang thời kỳ ổn định nhưng chưa ai có thể quên nh cơn sốt giá trên thị trường USD "chợ đen" trước đây. Nó không chỉ khiến người dân và DN thiệt hại mà còn khiến chính sách điều hành tiền tệ bị ảnh hưởng. Những lúc đó, Ngân hàng Nhà nước lại chỉ ra rằng: giá USD biến động là do yếu tố tâm lý, đầu cơ làm giá của thị trường. Cuối cùng, khi tình hình không ổn và khó kéo dài hơn thì cơ quan quản lý sẽ "chấp nhận" nới tỷ giá.
Và mới đây nhất là chuyện làm giá đã khiến thị trường vàng đảo điên. Người "chơi" vàng bị thua thiệt. Cơ quan quản lý cũng phải điều chỉnh chính sách để ứng phó với vàng. Hàng loạt biện pháp đã được đưa ra để đối phó với nạn đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng gây bất ổn cho nền kinh tế.
Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước còn xác định rõ thị trường bị làm giá, cách thức nhận biết làm giá và các biện từ nay đến cuối năm đã được đưa ra... để chống làm giá.
Tuy nhiên, vàng có thoát khỏi bị làm giá hay không hẳn còn phải chờ thực tế trả lời bởi vì những giải pháp đưa ra vẫn chưa thể thay đổi được bản chất và cơ chế giao dịch trên thị trường hiện nay.
Thụ động chống đỡ
Điểm qua những biến động thi trường vừa qua có thể thấy, đâu cơ, làm giá xuất hiện trong hầu hết các cơn biến động giá. Nó luôn được xem là một nguyên nhân khách quan, một yếu tố khó đoán định trong điều hành và quản lý thị trường. Vì thế, khi xác định nguyên nhân tăng giá bất hợp lý là do đầu cơ, làm gì thì dường như tất cả đều "vô can" khi để ra biến động bất lợi trên thị trường.
Có lẽ chính vì thế, mỗi khi tăng giá vì đầu cơ làm giá lên đến đỉnh điểm thì tất cả đều tỏ ra bất ngờ và cuống cuồng tìm cách khống chế. Hàng loạt biện pháp được triền khai để chặn hiện tượng làm giá. Đa số đều thành công nhưng khi đó thì cả người dân và kẻ làm giá đều đã "lãnh đủ" - một bên mất tiền còn bên kia thu lợi.
Ai cũng nói đến đầu cơ, làm giá nhưng hầu như chưa bao giờ chỉ ra được ai là kẻ làm giá và hưởng lợi trong những phi vụ như thế. Lực lượng làm giá đang bị lên án nhưng rồi không ai cố công đi đến tận cùng để xử lý những kẻ tạo ra biến cố để tư lợi.
Thực tế, cũng đã có những lần cơ quan quản lý tỏ rõ quyết tâm đi tìm những kẻ làm náo loạn thị trường như truy tìm nguồn gốc đồn thổi tăng giá xăng dầu, khan hiếm gạo hay phối hợp ba, bốn lực lượng gồm cả công an, quản lý thị trường để tìm kẻ buôn bán ngoại tệ tự do. Nhưng thường là không có kết quả cụ thể. Có chăng cũng chỉ xử lý một vài vụ nhỏ lẻ còn "con cá" to nhất vẫn chưa bao giờ bị cất vó.
Vì thế, người dân cũng dường như đã quen với chuyện "đâu lại vào đó" nên cứ tìm mọi cách lo cho mình trước nhưng do thiếu thông tin họ lại lần nữa rơi vào bẫy của đầu cơ làm giá như trong chuỗi sốt giá vàng vừa qua.
Diễn biến thị trường luôn khó lường. Chính vì thế Nhà nước đã có rất nhiều cơ quan để lo việc này. Các lĩnh vực chuyên ngành đều có đơn vị lo về cân đối hàng hóa, sản xuất - tiêu thụ, xuất nhập tới tận các mặt hàng và nhóm hàng quan trọng; các bộ quản lý đa ngành thì có những đơn vị chuyên về chính sách ngành và quản lý thị trường, có quan quản lý giá...
Bên cạnh đó, còn có lực lượng những DNNN lớn, các tổ chức dự trữ và lưu thông... Tất cả đều có chức năng tham gia quản lý và bình ổn thị trường. Đó là chưa kể có sự giúp sức của thông tin, các đơn vị quản lý xuất nhập khẩu, an ninh... Nhưng khi xảy ra "cơ sự" thì tất cả đều bất ngờ.
Thậm chí, trong tình huống nước sôi lửa bỏng của thời kỳ chống lạm phát, Chính phủ đã có yêu cầu các đơn vị quản lý, các địa phương chủ động trong cân đối nguồn hàng, tăng cường quản lý... không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý... nhưng thực tế thì vẫn diễn ra không ít lần tăng giá bất hợp lý ngoài mong muốn.
Mỗi khi giá tăng, dư luận bức xúc, các cơ quan chức năng lại vào cuộc và mỗi lần như thế lại có một báo cáo dài và chi tiết. Theo đó, cơ quan quản lý biết hết, biết từng kg gạo, từng cân đường, đầu mỗi con lợn, gia cầm... đang ở đâu, thu hoạch thế nào, cho đến cả bao nhiêu USD, bao nhiêu vàng, xuất nhập - thặng dư ra sao, triển vọng thế nào...
Xem ra, cơ quan quản lý nắm rõ hết nhưng dường như những báo cáo chỉ để cho thấy tăng giá tại đầu cơ. Nhưng ai là thủ phạm làm giá thì vẫn luôn là điều bí ẩn. Và đó là yếu tố bất ngờ khách quan nên xem ra việc quy trách nhiệm vì thế không được nhắc đến.
Và cứ thế, sốt giá lặp đi lặp lại, đầu cơ làm giá từ gạo, thịt cho đến USD và vàng nhưng vẫn chưa có cách gì để xử lý triệt để. Và đầu cơ làm giá vẫn diễn ra dù chúng ta có đủ hệ thống tham mưu, chính sách, quản lý và cả sức mạnh vật chất từ các DN Nhà nước lớn. Nó như một kẻ thách thức trong bóng tối và dường như cơ quan chức năng chấp nhận sự thụ động như một tất yếu.
|